Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 10
Hôm qua : 21
Tháng 11 : 310
Tháng trước : 392
Năm 2024 : 3.485
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

NGÀY TỔNG TUYỂN CỬ ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM THỐNG NHẤT - 25/4/1976

Cách đây 45 năm, vào ngày 25/4/1976, trên 23 triệu cử tri của nước Việt Nam thống nhất đã nô nức đi bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất. Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước.

Mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta đã giành được thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, xoá bỏ chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ, giành lại độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc. Từ đây, cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn cả nước độc lập thống nhất, cùng thực hiện một nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.

Đông đảo cử tri, nhân dân cả nước đi bầu cử                                                       Nguồn:ITN

 

Tuy nhiên, dù non sông đã thu về một mối nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước. Ở miền Bắc, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; chính quyền các cấp có Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính. Ở miền Nam có Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn của Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Ủy ban nhân dân cách mạng ở địa phương.

Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã sớm nhận thức được yêu cầu, nhiệm vụ cấp bách đặt ra lúc đó là phải hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã xác định “Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng tha thiết bậc nhất của đồng bào cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam”. Để thực hiện nhiệm vụ này, đại biểu nhân dân hai miền Nam– Bắc đã tổ chức Hội nghị hiệp thương chính trị để bàn về thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước (tháng 11/1975). Hội nghị đánh giá tình hình và đi đến quyết định “cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên toàn lãnh thổ Việt Nam để bầu ra Quốc hội chung cho cả nước. Là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và chủ nghĩa xã hội, Quốc hội đó sẽ xác định thể chế Nhà nước, bầu ra các cơ quan lãnh đạo của Nhà nước và quy định Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất”.

Trên cơ sở thành công của Hội nghị Hiệp thương chính trị, Bộ chính trị đã có Chỉ thị số 228-CT/TW ngày 03/01/1976, yêu cầu các cấp ủy đảng phải hết sức coi trọng việc lãnh đạo Tổng tuyển cử. Theo Chỉ thị số 228-CT/TW, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung “sẽ được tiến hành trong cả nước cùng một ngày, theo những nguyên tắc thật sự dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Những nguyên tắc ấy sẽ được vận dụng vào miền Nam cho thích hợp với điều kiện cụ thể của miền Nam”.

Đây là những nguyên tắc cơ bản của một cuộc bầu cử dân chủ, được tiếp tục kế thừa từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam cách đó đúng 30 năm.

Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về việc lãnh đạo cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam cùng thống nhất việc thành lập Hội đồng bầu cử toàn quốc với số đại biểu ngang nhau của mỗi miền. Theo Hội nghị Hiệp thương chính trị, Hội đồng bầu cử toàn quốc gồm 22 đại biểu. Mỗi miền cử 11 đại biểu, trong đó có 1 Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước diễn ra trong điều kiện hoà bình. Nguyện vọng tha thiết trước sau như một của nhân dân ta là nước nhà độc lập, thống nhất và tiến lên chủ nghĩa xã hội đã thành hiện thực. Nhân dân ta bước vào cuộc Tổng tuyển cử với tinh thần phấn khởi, tự hào trước thắng lợi huy hoàng đã giành được, với lòng tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam và tiền đồ vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh những mặt thuận lợi, cuộc tổng tuyển cử cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi nhân dân ta vừa phải trải qua cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài, để lại những hậu quả hết sức nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng lại nước nhà và ổn định đời sống nhân dân. Ở miền Nam, những tàn dư của chế độ cũ vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn, vẫn còn những hoạt động phá hoại của các thế lực phản động dưới nhiều hình thức, kể cả hình thức vũ trang. Tình hình đó đòi hỏi phải ra sức phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn, tăng cường đoàn kết, đề cao cảnh giác cách mạng, tuyên truyền giáo dục sâu rộng trong quần chúng nhân dân, động viên tinh thần yêu nước, bảo đảm thắng lợi cho cuộc bầu cử.

Theo quyết định của Hội đồng bầu cử toàn quốc, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất được tổ chức ngày 25/4/1976. Đây thực sự là ngày hội lớn của toàn dân Việt Nam. Trong không khí tưng bừng, trên 23 triệu cử tri, với tư thế của người làm chủ đất nước đã nô nức làm nghĩa vụ công dân của mình bầu những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam độc lập, thống nhất.

Cuộc bầu cử được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, trong đó miền Bắc 99,36%, miền Nam 98,59%. Có nhiều xã, huyện, thị, đơn vị vũ trang và khu vực bỏ phiếu đạt 100% cử tri đi bầu.

Cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu trong vòng đầu, không nơi nào phải bầu lại hoặc bầu thêm.

Trong tổng số 492 đại biểu trúng cử: công nhân 16,26%; nông dân 20,33%; thợ thủ công 1,22%; cán bộ chính trị 28,66%; quân nhân cách mạng 10,97%; tri thức 18,50%; nhân sĩ dân chủ và tôn giáo 4,06%; đại biểu nữ 26,21%; đại biểu các dân tộc thiểu số 14,28%.

Kết quả của cuộc Tổng tuyển cử là một thắng lợi có ý nghĩa quyết định trên con đường tiến tới hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Thành phần của đại biểu Quốc hội được cử tri lựa chọn đã phản ánh đậm nét hình ảnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước là một sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước. Đây là thành quả vĩ đại của 46 năm nhân dân ta đấu tranh cách mạng không ngừng kể từ khi Đảng ta ra đời, là thắng lợi của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, thắng lợi của 30 năm Đảng ta lãnh đạo chính quyền nhân dân, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn miền Nam dẫn đến sự thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, chính thức hóa việc thống nhất Việt Nam. Đó còn là thắng lợi của đường lối cách mạng sáng tạo của Đảng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh mang tầm vóc một học thuyết cách mạng giải phóng và phát triển với ý chí không gì lay chuyển nổi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam ta là một. Dù cho sông cạn đá mòn, Nhân dân Nam, Bắc là con một nhà”.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI - Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam thống nhất

 

Ngày 24/6/1976, kỳ họp đầu tiên Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội, có 482 đại biểu về dự, 10 đại biểu vắng mặt. Đoàn Chủ tịch điều hành kỳ họp gồm 36 thành viên, trong đó có các đồng chí và các vị Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát...

Thay mặt Đoàn Chủ tịch kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã đọc diễn văn khai mạc, khẳng định: “Kỳ họp Quốc hội lần này là một cái mốc trong lịch sử phát triển của Nhà nước ta. Từ mấy tháng nay, công nhân, nông dân, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân khác trong cả nước đã phát động phong trào thi đua sôi nổi lấy thành tích chào mừng Quốc hội chung cả nước. Điều đó chứng tỏ nhân dân ta nhiệt liệt hoan nghênh Quốc hội mới và đặt nhiều hy vọng vào Quốc hội”. Chủ tịch đề nghị các đại biểu Quốc hội phải hết sức cố gắng làm tròn nhiệm vụ của người đại biểu để đáp ứng lòng mong mỏi của đồng bào cả nước.

Thay mặt Hội đồng bầu cử toàn quốc, Chủ tịch Trường Chinh đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình và kết quả cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của cả nước ngày 25/4/1976. Theo báo cáo, cuộc Tổng tuyển cử diễn ra trong tình hình đất nước đã hoà bình. Nhân dân cả nước bước vào Tổng tuyển cử với tinh thần phấn khởi, tự hào trước thắng lợi huy hoàng đã giành được. Kinh nghiệm bầu cử Quốc hội do nhân dân ta tích luỹ trong mấy chục năm đã phát huy tác dụng tốt đối với cuộc Tổng tuyển cử lần này.

Tuy nhiên, hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và chủ nghĩa thực dân mới để lại đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xây dựng lại nước nhà và ổn định đời sống nhân dân. Để bảo đảm cho cuộc Tổng tuyển cử thắng lợi, công tác tuyên truyền, vận động không những được tiến hành thông qua các cuộc học tập, thảo luận, mà còn được đẩy mạnh qua các công tác quan trọng khác như điều tra dân số, lập danh sách cử tri, trao đổi ý kiến về danh sách ứng cử viên...

Cuộc Tổng tuyển cử đã thành công rực rỡ, cả nước đã bầu đủ số đại biểu theo quy định ở ngay vòng đầu. Điều đó đã khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân quyết tâm khắc phục khó khăn, xây dựng thành công nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất và xã hội chủ nghĩa.

Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, cùng với thắng lợi của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VI sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi để nhân dân ta tiếp tục thực hiện lời căn dặn thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc xây dựng lại đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Như vậy, kể từ cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội khóa I (06/01/1946), sau 30 năm, cuộc Tổng tuyển cử chung lại được tổ chức trên phạm vi cả nước. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất có ý nghĩa rất quan trọng, là một trong những mốc son trong lịch sử cách mạng nước nhà. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử không những đem lại niềm tự hào cho nhân dân cả nước, cho kiều bào ta ở nước ngoài, mà còn là tiếng vang lớn trên trường quốc tế. Thắng lợi này có ý nghĩa chính trị to lớn tiếp theo chiến thắng vĩ đại về quân sự vào mùa Xuân năm 1975, mở ra cơ hội cho quá trình hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế của Quốc hội Việt Nam, trong vị thế của một Nhà nước độc lập, thống nhất.

Kết quả cuộc tổng tuyển cử đưa đến sự ra đời của Quốc hội khóa VI- Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Đó là sự kế thừa và phát triển liên tục từ Quốc hội khóa I năm 1946, thể hiện sự nhất quán trong đường lối cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Với mục tiêu thể chế hóa đường lối chiến lược của Đảng, Quốc hội khóa VI đã hoàn thành trọng trách xây dựng một bản Hiến pháp mới của nước Việt Nam thống nhất, Hiến pháp 1980, thể hiện một bước phát triển mới trong công tác lập hiến. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, tổng kết và xác định những thành quả cách mạng của nhân dân Việt Nam đã giành được qua nửa thế kỷ đấu tranh để giành độc lập, tự do; thể chế hóa Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng; thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân quyết tâm xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kỷ niệm 45 năm Ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước (25/4/1976– 25/4/2021) là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ôn lại ngày lịch sử của dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam. Kế thừa truyền thống đó, cho đến nay, Quốc hội Việt Nam tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Những kinh nghiệm trong các kỳ tổng tuyển cử bầu Quốc hội trước đây là những bài học quý giá để Đảng và Nhà nước ta tiếp tục lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021– 2026 đi đến thành công./.

                                                                                                                                                                                                                                       nguồn Theo quochoi.vn    

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip