Quá trình hình thành
Điện Tiến là xã bán sơn địa nằm về phía Tây Bắc của thị xã Điện Bàn. Lịch sử hình thành và phát triển của xã Điện Tiến gắn liền với quá trình mở đất của dân tộc Việt về phương Nam.
Cho đến nay, chưa có tài liệu nào xác định cụ thể ai là người đầu tiên đặt chân khai phá vùng đất Điện Tiến ngày nay. Song căn cứ vào tác phẩm “Ô châu cận lục” của Dương Văn An chép vào năm 1553 thì lúc bấy giờ có một số tên làng thuộc xã Điện Tiến đã được nhắc đến.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, xã Điện Tiến gồm các làng Châu Bí, Bình Phước, Định An, Thái Sơn, Xuân Sơn, Diệm Sơn và Cẩm Sơn.
Sau Cách mạng Tháng Tám, từ năm 1946 đến năm 1948 các làng Châu Bí, Bình Phước, Định An nhập thành xã Sùng Công; các làng Thái Sơn, Diệm Sơn, Xuân Sơn, Cẩm Sơn nhập thành xã Tứ Sơn. Từ cuối năm 1964 chia lại đơn vị xã Sùng Công là xã Điện Tiến, Tứ Sơn là xã Điện Sơn. Cuối năm 1967, để tạo bàn đạp cho huyện Hòa Vang và thành phố Đà Nẵng, Tỉnh ủy Quảng Đà quyết định sáp nhập xã Điện Sơn vào khu II huyện Hòa Vang. Sau giải phóng, vào tháng 5 năm 1975, Đảng và nhà nước có chủ trương hợp nhất hai xã Điện Tiến và Điện Sơn thành xã Điện Tiến. Sau nhiều lần chia tách, sáp nhập, đổi tên đến nay Điện Tiến có 5 thôn bao gồm: thôn Châu Sơn 1, thôn Châu Sơn 2, thôn Thái Sơn, thôn Thái Cẩm và thôn Xuân Diệm.
Điện Tiến là một xã có địa hình bán sơn địa, nhiều đồi gò, đồng bằng hẹp, diện tích tự nhiên khoảng 1.539 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm khoảng một nữa diện tích. Khi nói đến Điện Tiến người ta không thể quên các địa danh, những tên núi, tên sông, tên làng đã đi vào lịch sử.
Bồ Bồ là một dãy núi đất cắt ngang xã Điện Tiến từ Tây sang Đông tạo thành địa giới tự nhiên giữa hai xã Sùng Công và Tứ Sơn trước đây. Núi rộng chừng 254ha, điểm cao nhất là 55m so với mực nước biển. Với vị trí như vậy nên trong chiến tranh thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ thường xuyên chiếm đóng để xây đồn, đóng quân, khống chế cả một vùng rộng lớn từ Điện Tiến đến các xã lân cận thuộc Điện Bàn, Hòa Vang, Đại Lộc.
Cùng với núi Bồ Bồ, Điện Tiến còn có nhiều khe, truông, cấm đó là Ba Truông, Khe Định An, Cấm Lớn, Cấm Sợi Mây, Cấm Họ, tất cả những địa danh này đều là căn cứ cách mạng quan trọng không chỉ của xã Điện Tiến mà còn là của huyện Điện Bàn và tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, nhờ kết hợp giữa hai yếu tố là lợi thế của địa hình và tinh thần đấu tranh cách mạng của nhân dân.