Những năm tháng khó khăn của gia đình Bác Hồ tại Huế
Nếu Nghệ An là quê hương, là nơi sinh ra Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, thì kinh đô Huế xưa là quê hương thứ hai, nơi in đậm dấu ấn tuổi trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình. Người đã sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước. Chính nơi đây là mảnh đất đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để từ đó Người quyết định ra nước ngoài tìm đường “cứu dân - cứu nước”. Vì thế, Huế không những là nơi in đậm bóng hình của Bác, nơi đọng lại những tình cảm sâu nặng, những ký ức vẹn nguyên thủa thiếu thời, mà Huế còn là một thành tố quan trọng đối với sự hình thành con người vĩ đại Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh
Sau khi đậu cử nhân ở quê nhà Nghệ An, ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế dự kỳ thi Hội năm Ất Mùi 1895. Kỳ thi này bảng vàng chưa ghi tên Nguyễn Sinh Sắc. Được sự giúp đỡ của ông Cao Xuân Dục - Tế tửu Quốc sử quán, Nguyễn Sinh Sắc về quê đưa vợ con vào Huế tiếp tục học để dự kỳ thi Hội lần sau. Nguyễn Sinh Sắc đưa vợ và hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung (tên của Bác Hồ thời niên thiếu) vào Huế, để lại người con gái cả ở quê nhà. (Ba người con của Ông bà Nguyễn Sainh Sắc và Hoàng Thị Loan lúc đó là Nguyễn Thị Thanh (người ta hay nói chữ là thanh bạch), Nguyễn Sinh Khiêm (khiêm tốn), và Nguyễn Sinh Cung (cung kính). Lần vào Kinh đô này, gia đình đã ở lại đây 6 năm, từ 1895 đến 1901. Ở Huế, nhờ sự tác động của ông Cao Xuân Dục, Nguyễn Sinh Sắc được vào học Trường Giám, có chút học bổng, ngoài giờ học ông phải đi chép thuê để nuôi gia đình. Thêm vào đó bà Hoàng Thị Loan vừa chăm sóc con, vừa làm thêm nghề dệt vải.
Vào năm Mậu Tuất 1898, Nguyễn Sinh Sắc tham gia kỳ thi Hội ở Huế lần thứ hai nhưng vẫn không đỗ. Bao nhiêu hy vọng vào thi cử thành mây khói. Thi không đậu Nguyễn Sinh Sắc mất luôn học bổng ở Trường Giám. Đời sống kinh tế trong gia đình suy sụp. Giữa lúc đó, ở làng Dương Nỗ, cách Huế 6 km về phía Đông, học trò trong làng đang cần chữ. Ông Nguyễn Viết Chuyên, là người cùng quê với ông Sắc làm việc ở Bộ Hình giới thiệu Nguyễn Sinh Sắc về dạy học. Đang lúc buồn vì thi hỏng, lại khó khăn về miếng cơm manh áo, anh cử Nguyễn Sinh Sắc đã nhận lời. Và cuối năm Mậu Tuất 1898 đó, anh để lại người vợ ở Thành Nội và đưa hai con trai về làng Dương Nỗ. Đã phải sống xa với bà ngoại và chị gái ở quê nhà, nay Nguyễn Sinh Cung lại phải sống xa mẹ.
Nghe tin anh cử Sắc về dạy học, dân làng Dương Nỗ và các làng xung quanh đều xin cho con học rất đông. Hai anh em Khiêm và Cung cũng học cùng. Ở đây Cung bắt đầu học chữ Hán. Một hôm, có người đem con đến xin học, thấy hai người con, thầy ngồi bên cạnh liền hỏi: Bẩm thầy, vì sao hai cậu không ở trên thành nội với mẹ mà lại theo thầy về đây? Thầy cử Sắc cười, thầy chỉ vào hai người con và nói đùa rằng: Thằng này là thằng Khơm (tức Khiêm), thằng này là thằng Côông (Tức Cung), Khơm, Côông là không cơm, nên bầy tui đi mô thì đem đi nấy để nhờ gia chủ nuôi. Đó là một sự thật vừa khôi hài, vừa xót xa, chua chát.
Chuyện kể lại rằng, thời gian học ở Dương Nỗ, Nguyễn Sinh Cung học rất thông minh, nhớ rất giỏi nhưng hiếu động, hay bỏ lớp đi chơi lang thang hoặc đi chơi với trẻ chăn trâu. Thấy Cung thông minh và có trí nhớ, các học trò đều tin rằng cậu sẽ đỗ đạt, cha mẹ cậu sẽ được giàu sang, xóm làng sẽ được tiếng hiển vinh. Nhưng Cung thì không thích như thế, hàng ngày cậu hay trốn học đi chơi. Thấy cái gì thích thì cậu học. Cậu thường ra sông tắm mát, hay xuống quét lá rồi nằm ngủ trưa trên cái bệ trước am Bà ở làng phố Nam; Thích nghe kể chuyện đào sông Phổ Lợi (là một con sông đào lớn ở Huế được đào dưới thời Minh Mạng, hoàn thành vào năm 1836. Con sông đã được khắc hình trên Cửu đỉnh ở Huế-TG); chuyện các họ được thờ trong ngôi nhà thờ 7 gian; chuyện làm đình Dương Nỗ. Một hôm, thấy Cung đang hỏi chuyện một chị buôn bán ngoài chợ, bạn rủ về, Cung nói: Các anh về học sau này thi đỗ ra làm quan… còn tôi thì chỗ nào thích tôi học.
Nhiều hôm sau giờ học, từ Dương Nỗ, hai anh em Khiêm và Cung rủ nhau về thăm mẹ. Mỗi lần về, hai cậu mang theo một chút lộc của cha có vài chén rượu nếp, năm ba quả trứng gà. Thăm mẹ xong, hai anh em lại đi bộ trở về Dương Nỗ, bất kỳ trời mưa hay đã muộn bởi vì sáng sớm hôm sau đi học, cũng còn vì nếu ở lại không có cái ăn.
Ba cha con ở Dương Nỗ từ năm Mậu Tuất 1898 đó cho đến mùa hè năm 1900, khi cử nhân Nguyễn Sinh Sắc được cử đi coi thi ở Trường thi Hương Thanh Hóa. Một điều đáng nhớ là khi đi coi thi, ông Nguyễn Sinh Sắc đem theo người con trai lớn Nguyễn Sinh Khiêm, còn Nguyễn Sinh Cung ở lại với mẹ và người em trai Nguyễn Sinh Xin mới sinh còn nhỏ. Một biến cố lớn đã đến với gia đình trong lần chia tay này. Đó là sức khỏe của bà Hoàng Thị Loan vì sinh thêm đứa con trong hoàn cảnh túng thiếu nên đã lâm bệnh và bà đã qua đời. Sau đó bé Xin vì khát sữa mẹ, quá yếu và cũng đi theo mẹ. Mẹ và em mất khi cha và anh vắng nhà. Ngôi nhà nhỏ trong thành nội ngập trong đau thương, nỗi đau ấy Nguyễn Sinh Cung phải chịu gấp bội phần vì chỉ có một mình không có người ruột thịt bên cạnh.
Trở lại Huế sau khi chấm thi xong, ông Nguyễn Sinh Sắc đem theo các con về Nghệ An. Thời kỳ ở Huế lần thứ nhất này, trong ký ức của tuổi thơ Nguyễn Sinh Cung là những gánh chịu tình cảnh hết sức éo le. Mẹ và em mất, Nguyễn Sinh Cung đã sống trong sự đùm bọc yêu thương của bà con lối xóm. Thêm nữa, so với quê hương xứ Nghệ thì ở Kinh thành Huế có nhiều nhà cửa to đẹp, nhiều cung điện uy nghiêm. Ở Huế, Nguyễn Sinh Cung cũng thấy có nhiều lớp người, những người Pháp thống trị nghênh ngang, hách dịch và tàn ác; những ông quan Nam triều bệ vệ trong những chiếc áo gấm, hài nhung, mũ cánh chuồn nhưng lại khúm núm, rụt rè. Phần đông người lao động thì chịu chung số phận đau khổ và tủi nhục. Họ là những người nông dân rách rưới mà người Pháp gọi là bọn nhà quê, những phu khuân vác, những người cu ly kéo xe tay, những trẻ em nghèo khổ, lang thang trên đường phố… Những hình ảnh đó đã in sâu vào ký ức Nguyễn Sinh Cung. Đó chắc chắn là những nhân tố góp phần hình thành nhân cách và quyết định đúng đắn của Nguyễn Tất Thành sau này.