Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 16
Hôm qua : 21
Tháng 11 : 316
Tháng trước : 392
Năm 2024 : 3.491
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những câu chuyện cảm động về thời thơ ấu của Bác Hồ

Chủ đề về thời niên thiếu của Bác rất lôi cuốn chúng ta, vì ai trong cuộc đời cũng trải quả thời thơ ấu nhiều kỷ niệm. Bác Hồ của chúng ta cũng thế. Có điều Bác cất tiếng khóc chào đời trong hoàn cảnh nước mất, nhà tan, nhân dân chịu áp bức, bóc lột, làm nô lệ, chính vì vậy hình ảnh đó đã để lại dấu ấn tuổi thơ của Bác.

Đảng ta đã có chủ trương sau này sẽ đưa tư tưởng, đạo đức của Bác vào dạy ở tất cả các nhà trường, từ các cháu mầm non đến đại học và sau đại học. Riêng các cháu mầm non thì ta dạy về Bác những gì? Ta chỉ dạy kể chuyện về thời thơ ấu của Bác là hợp lý nhất, cho nên tìm hiểu về thời thơ ấu của Bác cũng là điều rất cần thiết. Có nhiều tác phẩm nói về thời thơ ấu của Bác, nhưng trong số đó tác phẩm của nhà thơ Sơn Tùng, người cùng quê với Bác (Bác ở Nam Đàn, nhà thơ ở Diễn Châu) đã dành cả cuộc đời viết về Bác, đặc biệt là thời thơ ấu có rất nhiều câu chuyện cảm động, chân thực về Bác.

 

Di tích Hoàng Trù (làng chùa) quê ngoại Bác Hồ, nơi gắn với tuổi thơ của Bác Hồ

Bác thời nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước; mẹ Bác là bà Hoàng Thị Loan, lúc sinh ra Bác, bà Loan làm nghề dệt lụa và làm ruộng, tần tảo, lam lũ, tham công, tiếc việc, đến ngày sinh nở mới chạy từ đồng về nhà để sinh con. Bác cất tiếng khóc chào đời ngay trên mảnh đất của làng Hoàng Trù, quê ngoại của Bác. Khi sinh Bác, mẹ Bác không có sữa, nên bà ngoại một tay mớm cơm, mớm cháo từ thuở Bác lọt lòng.

Đặc biệt là bà ngoại Bác cũng chôn rau, cắt rốn ngay trên mảnh vườn mà bà Loan sinh ra Bác. Ta về thăm làng Hoàng Trù hôm nay còn nguyên hàng cau, hàng dâm bụt, những khóm chè với những gian nhà tranh ngày xưa rất thân thuộc. Đến mãi những năm 1957, 1961 (lúc đó Bác đã 70 tuổi) mới có dịp trở lại thăm quê. Lần đó Bác rất xúc động về những kỷ niệm ấu thơ của mình.

Trong gia đình Bác có một người anh trai là Nguyễn Sinh Khiêm (gọi là ông cả Khiêm). Sau này lớn lên, trưởng thành Bác được đặt tên là Nguyễn Tất Thành, anh Bác đặt là Nguyến Tất Đạt. Chị gái Bác là Nguyễn Thị Thanh và bà còn có một tên rất đẹp là Nguyễn Thị Bạch Liên (nghĩa là hoa Sen trắng). Vấn đề này có liên quan đến tên Bác, Bác lấy tên là Hồng Liên (nghĩa là hoa Sen hồng) tương xứng với Bạch Liên là chị gái mình. Bác còn có một người em út tên là Nguyễn Sinh Nhuận, nhưng vì bà Loan sinh em cũng giống lúc sinh Bác là đều mất sữa. Nên Bác phải đi xin cơm, xin cháo nuôi em. Vì thế tên em Bác gọi nôm là Nguyễn Sinh Xin. Vì bà Loan mất sớm nên em trai Bác chỉ sống được 4 tháng tuổi. Bác chứng kiến cảnh mẹ mất, em mất từ tuổi còn thơ ấu. Nên tình cảm thương yêu của Bác nặng lòng, sâu sắc là vì thế.

Một chi tiết mà hàng xóm thời đó kể lại câu chuyện cảm động không thể nào quên khi Nguyễn Sinh Xin mất, hoàn cảnh gia đình Bác rất nghèo túng, mẹ thì mất rồi, bố đang công tác tận mãi núi rừng Thanh Hóa. Được tin bà Loan mất, bố Bác là cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc cùng anh trai là Nguyễn Sinh Khiêm đã vào Huế đưa Bác và em trai về quê sinh sống và em nhỏ mất ở trong quê. Khi em Bác mất, hàng xóm đã tháo cánh cửa lấy những miếng gỗ nhỏ đóng áo quan để chứa sinh linh 4 tháng tuổi lót trong chiếc áo cũ của anh. Hình ảnh về em trai đã để lại một dấu ấn về trẻ thơ vô cùng sâu lắng đối với Bác, sau này Bác viết về trẻ em, có câu: Trẻ em như búp trên cành; biết ăn, biết ngủ, học hành là ngoan. Đó là những kỷ niệm khó có thể quên trong thời thơ ấu của Bác.

Thời ấu thơ, Bác là một cậu bé nhanh nhẹ, khôi ngô và đĩnh đạc, có một linh cảm kỳ diệu là ông ngoại Bác - cụ Hoàng Xuân Đường là người đặt tên cho Bác. Khi biết tin Bác lọt lòng, cụ nói với con Nguyễn Sinh Sắc thắp sáng đèn dầu để cụ xem mặt cháu và đặt tên cho cháu. Mà mới chỉ lọt lòng mà nhìn thoáng qua thôi mà cụ đã thốt lên, “rồi đời cháu tôi sẽ rất vất vả, gian nan. Nhưng cuối cùng cháu tôi sẽ đến đích và toại nguyện”. Và sau này đời Bác cũng rất gian truân, vào tù, thậm chí còn bị tử hình vắng mặt nhưng rồi Bác đã rất thành công và cán đích cuối cùng đó là lập Đảng, lập nước, làm rạng danh cho dân tộc Việt Nam như đúng lời ông ngoại nói.

Câu chuyện cảm động về tuổi thơ Bác mà đến khi là Chủ tịch nước Bác vẫn còn nhớ. Một lần nhà ngoại có giỗ, bà ngoại cho Bác và cụ cả Khiêm (anh trai Bác) mỗi người 1 cái chân vịt luộc (sau này Bác rất thích ăn thịt vịt luộc là thế); lúc còn nhỏ hồn nhiên, ngây thơ và cũng rất nghịch nên anh Bác mới trêu là anh được ngoại cho cái chân vịt to hơn, dài hơn. Thấy anh nói vậy, Bác tưởng thật nên mới giằng với anh cái chân vịt đó. Trong lúc giằng co, là anh nhường em nên ông cả Khiêm mới buông tay làm Bác ngã vào chồng bát của ngoại, vỡ mấy cái bát nên bà ngoại đánh mỗi cháu 10 roi. Ông cả Khiêm chịu đúng 10 roi, còn Bác bà ngoại rất thương, lại là em nhỏ tuổi hơn nên chỉ đánh 5 roi. Và ngoại nói cho cháu nợ 5 roi, ngoan thì bà tha mà hư thì bà sẽ đánh tiếp. Sau này Bác nhớ câu của bà ngoại nói năm đó như in khi Bác đã là Chủ tịch nước.

Khi chị gái Bác lặn lội từ quê ra Hà Nội thăm em, lúc đó Bác là Chủ tịch nước, trong bữa cơm tiếp chị, bà Thanh mới gắp một miếng thịt vịt cho Bác ăn mà tay bà cứ run run. Bà Thanh muốn xem hàm ý trong lòng mình với Bác đúng hay sai. Bác của chúng ta lại vô cùng nhạy cảm nên nhìn chị hành động như vậy là Bác biết chị muốn nói điều gì. Bác nói với chị gái: Chị ơi, chị gắp thịt vịt cho em mà em nhớ bà ngoại quá, em còn nợ ngoại 5 roi mà chưa kịp trả thì bà đã đi xa rồi. Bà Thanh giàn dụa nước mắt, và coi như phép thử của mình thế là thành công. Một người nhớ đến từng chi tiết như vậy, bây giờ lại đứng đầu Nhà nước, đứng đầu Chính phủ lo cho dân chu đáo, vẹn toàn đến từng chi tiết. Vì thế mà sau này Bác đã phát động phong trào tiết kiệm, nhịn ăn để dành gạo cứu dân nghèo, dân đói là vì thế.

Bác cũng như trẻ nhỏ khác, đó là rất sáng dạ, thông minh nhưng cũng nghịch ngợm. Có lần chơi trò đóng vai tuồng cổ, lấy hoa râm bụt vò nát làm son phấn, trang trí lên mặt. Nhựa râm bụt làm sưng hết cả má. Mẹ Bác đánh Bác, Bác mới thắc mắc với mẹ: Con tưởng ông bụt rất hiền, bây giờ con chơi hoa râm bụt mà con lại bị đòn? Thế là bà Loan phì cười và tha cho Bác không phải chịu đòn nữa. Hay là lúc tuổi già khi ở tuổi 70, Bác về thăm quê mà Bác vẫn còn nhớ người bạn thơ ấu ngày xưa ở lò rèn của làng Hoàng Trù, khi đó Bác không phân biệt Chủ tịch nước và người dân mà bây giờ là bạn đồng môn, đồng lứa ngày xưa. Và trên tai của Bác vẫn còn vết sẹo nhỏ vì đi câu cá, lưỡi câu móc vào tai, cái sẹo đó vẫn còn nguyên.

Lớn lên chút nữa Bác đã có khả năng tư duy độc lập đến mức hoài nghi 3 chữ: Tự do – bình đẳng – bác ái của cách mạng tư sản Pháp. Bác đi bộ từ làng Hoàng Trù ra tận hiệu sách ở thành phố Vinh mà tiền không có, chỉ đứng ngoài cửa nhìn sách. Ông chủ hiệu sách xúc động trước sự ham học của Bác nên đưa cho Bác cuốn chuyện đó. Bác đọc liên tục ở hiệu sách đó để ghi nhớ, thuộc lòng trở về quê kể cho bạn bè nghe lại. Và cốt cách của Bác sau này là được hình thành từ thuở ấu thơ. Từ làng Hoàng Trù, làng Sen đã sinh ra, nuôi dưỡng một người con vĩ đại của dân tộc.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 16 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip