Chủ tịch Hồ Chí Minh với những dự báo thiên tài về thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam
Nhân kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết "Hồ Chí Minh với những dự báo chiến lược về thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước" của giáo sư - tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giữ vai trò cực kỳ quan trọng và có tầm ảnh hưởng to lớn đến thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Người là kiến trúc sư hoạch định đường lối chống Mỹ với lộ trình, bước đi rất cụ thể, sáng tạo; đồng thời cũng là linh hồn tổ chức thực hiện đường lối chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày 12/5/1975, gần hai tuần sau khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, trên Tạp chí Time của Mỹ có đăng bài viết với tựa đề "Lời tạm biệt nghiệt ngã cuối cùng" bình luận về thắng lợi của nhân dân Việt Nam và vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh, đã khẳng định: "Cuối cùng quân đội Giải phóng đã tràn vào Sài gòn, giương cao lá cờ của Chính phủ cách mạng lâm thời, bắt giữ tổng thống Dương Văn Minh và thủ tướng Vũ Văn Mẫu của Nam Việt Nam. Đối với nhiều người Mỹ, đây là cái chết đã chờ đợi bao lâu, nhưng khi nó đến thì vẫn bị choáng váng. Sự nghiệp giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã chiến thắng. Nước Mỹ từ đây sẽ phải điều chỉnh lại đường hướng của mình trên thế giới, nhưng không dễ mà "bỏ Việt Nam lại phía sau."
Nhận xét này hoàn toàn chính xác. Thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một tất yếu lịch sử đã được báo trước mà người đưa ra dự báo đó không ai khác chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng kiệt xuất, để lại dấu ấn sâu đậm và có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển Việt Nam và thế giới thời hiện đại. Người có một nhãn quan chính trị nhạy bén, sắc sảo và một tầm nhìn vượt trước thời gian. Trong cuộc đời hoạt động sáng tạo, bão táp cách mạng, trên cơ sở am hiểu tường tận lịch sử-văn hóa dân tộc, dịch học phương Đông, phép biện chứng duy vật, Hồ Chí Minh đã có những dự báo thiên tài. Dự báo của Người về thắng lợi cuối cùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một trong số những dự báo như vậy.
Điều này thể hiện ở những nhận định, quyết đoán nhất quán trong tiến trình vận động thời cuộc, bắt đầu từ những năm năm mươi cho đến khi Người qua đời.
Tìm hiểu dự báo chiến lược về thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam trong di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh chẳng những giúp ta hiểu giá trị to lớn về dự báo thiên tài của Người, mà còn là cơ sở để nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua đó, góp phần đấu tranh phê phán một số quan điểm cho rằng dự báo đó là không có căn cứ, chỉ là lời động viên “thuần túy” của các nhà lãnh tụ, là “khẩu hiệu tuyên truyền” trong nhân dân trước cuộc chiến “không cân sức,” “không biết ngày nào ra.” Nếu có thắng lợi cũng chỉ là “ăn may.” Trái lại, dự báo nhất quán của Hồ Chí Minh là hoàn toàn khoa học
Vào đầu những năm năm mươi, phân tích xu thế phát triển thời đại, bản chất, dã tâm xâm lược của chủ nghĩa đế quốc, Hồ Chí Minh đã tiên liệu: Sớm hay muộn, Mỹ sẽ trực tiếp tham dự vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương; kẻ thù lâu dài của cách mạng nước ta sẽ là đế quốc Mỹ với tư cách là cường quốc hùng mạnh của thế giới.
Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (7/1954), nhân dân Việt Nam phải đối phó với một kẻ thù mới, nguy hiểm là đế quốc Mỹ. Nắm bắt được xu thế vận động tất yếu của cách mạng, Hồ Chí Minh dự báo: Đế quốc Mỹ âm mưu muốn kéo dài chiến tranh ở Đông Dương, phá hoại Hiệp định Giơnevơ, tìm cách hất cẳng Pháp để độc chiếm Việt Nam. Tranh lấy hòa bình lúc này không phải dễ ràng, nó là cuộc đấu tranh trường kỳ gian khổ, phức tạp. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 15 (1/1959), Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Cách mạng Việt Nam nhất định thắng lợi vì Đảng ta và nhân dân ta có đủ sức khắc phục khó khăn, chỉ cần nhân dân ta đoàn kết một lòng, trước hết là đoàn kết trong Đảng thì mọi khó khăn sẽ vượt qua.
Dự báo trên của Hồ Chí Minh xuất phát từ thực tiễn Việt Nam bước vào giai đoạn mới (sau 1954 cách mạng gặp vô cùng khó khăn). Mỹ-Diệm tập trung đàn áp cách mạng, chúng liên tiếp mở các cuộc hành quân càn quét qua các chiến dịch “tố cộng,” với khẩu hiệu “đạp lên oán thù, thà giết nhầm còn hơn bỏ sót,” “dĩ đảng trị đảng,” “dĩ dân trị dân.” Hàng trăm cán bộ đảng viên và quần chúng yêu nước bị sát hại. “Trong vòng 10 tháng (7/1955 đến 5/1956) chúng đã bắt và giết 108.835 người dân Việt Nam.”
Cơ sở thực tiễn trên khẳng định Hồ Chí Minh đã nhìn thấy trước tính chất gay go quyết liệt của cách mạng Việt Nam. Theo quy luật ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh. Thắng lợi của nhân dân miền Nam qua phong trào đồng khởi 1960 đã làm xoay chuyển cục diện trên chiến trường miền Nam, từ chỗ giữ gìn lực lượng chuyển sang thế tiến công, đẩy chính quyền Mỹ-Ngụy vào thế bế tắc, mở ra một bước ngoặt mới cho cách mạng miền Nam.
Dự báo về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh là dự báo nối tiếp của những dự báo trước đó. Sau thắng lợi ở Điện Biên Phủ (7/1954), Hồ Chí Minh nói: “Mỹ đang biến thành kẻ thù trực tiếp” của nhân dân Việt Nam. Tại thời điểm lịch sử lúc đó, việc nhận rõ kẻ thù của cách mạng thật không đơn giản chút nào. Hồ Chí Minh dự báo tiếp: Mỹ vào thay Pháp, kẻ thù mới còn hung ác hơn nhiều. Người nhắc nhở cán bộ đảng viên và nhân dân phải luôn cảnh giác.
Năm 1960, nhân ngày Quốc khánh lần thứ 15 của nước ta, Người lại dự báo: Chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc Việt Nam nhất định sẽ thống nhất, Bắc Nam nhất định sẽ sum họp một nhà. Tháng 12 năm 1962, ông Phùng Thế Tài, Tư lệnh, kiêm Chính ủy Quân chủng Phòng không-Không quân được Bác Hồ hỏi: Chú biết gì về B52 chưa? và dặn lại phải theo dõi chặt chẽ, thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B52. Vào cuối năm 1967, đầu năm 1968, Hồ Chí Minh dự báo: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến mọi tình huống càng sớm càng tốt để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội.”
Dự báo nối tiếp của những dự báo. Dự báo trước làm cơ sở, tiền đề cho dự báo sau. Kết quả thắng lợi từng phần của cách mạng cho thấy đó là một thực tiễn sinh động, một căn cứ khoa học để Hồ Chí Minh viết trong Di chúc: Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa nhưng nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định sẽ cút khỏi nước Việt Nam. Tổ quốc Việt Nam nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Đó là một điều chắc chắn.
Sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam nhất định được phát huy cao độ. Sức mạnh đó đầu tiên bắt nguồn từ đường lối lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, đúng lúc qua các thời kỳ cách mạng. Bị thua đau trên các chiến trường, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra cả hai miền Nam Bắc.
Tình hình trên đặt ra cho Đảng, nhân dân, Quân đội Việt Nam câu hỏi lớn, Việt Nam có dám đánh Mỹ không? Đánh Mỹ bằng cách nào? Đánh rồi có thắng được không? Câu hỏi này, như đã có câu trả lời từ trước, qua dự đoán khoa học của Người: Nhất định Việt Nam thắng Mỹ, đó là điều chắc chắn. Bởi vì, chúng ta có sức mạnh tổng hợp của cuộc chiến tranh mà kẻ thù không bao giờ có (tính chất chính nghĩa của chiến tranh). Có ý chí quyết tâm “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.” Có sức mạnh của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Sức mạnh tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia và sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
Thắng lợi của cuộc chiến tranh thường tuân theo quy luật mạnh được, yếu thua. Nếu so sánh lực lượng giữa ta và địch về quân sự và kinh tế là quá xa lệch, ta gặp nhiều khó khăn. Nhưng thiên tài của Hồ Chí Minh ở chỗ, chính Người đã nhìn thấu suốt được sức mạnh tổng hợp mà nhân dân Việt Nam sẽ có được. Cốt lõi của sức mạnh ấy là ý chí quyết tâm của cả dân tộc “thà chết không chịu làm nô lệ”; là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do;” là “Còn non còn nước còn người, Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.”
Đã từng hoạt động trên đất Mỹ, am tường văn hóa Mỹ, Hồ Chí Minh biết rất rõ sức mạnh cũng như những chỗ yếu của cường quốc đế quốc số một thế giới này. Người thừa nhận và đánh giá cao những giá trị phổ biến, vĩnh hằng của văn hóa Mỹ như những giá trị làm người của lương tri nhân loại và đã từng viện dẫn trong bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ. Những hiểu biết về Mỹ ở tần sâu thẳm nhất chính là cứ liệu thực tế để Người đi đến khẳng định: Việt Nam biết đánh và nhất định thắng Mỹ!
Thực hiện lời tiên đoán của Hồ Chí Minh “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào,” quân và dân hai miền Nam Bắc luôn kề vai sát cánh bên nhau đánh thắng hết chiến lược chiến tranh này đến chiến lược chiến tranh khác. Từ chiến tranh đơn phương, chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, đến Việt Nam hóa chiến tranh (1954-1960, 1961-1965, 1966-1968, 1969-1972). Mỹ đã rút về nước, chớp lấy thời cơ có một không hai này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Việt Nam thực hiện “Đánh cho Ngụy nhào”(1973-1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện trọn vẹn lời tiên đoán của Người.
Với thắng lợi này, nhân dân Việt Nam đã quét sạch bọn đế quốc xâm lược, chấm dứt ách thống trị tàn bạo hơn một thế kỷ của chủ nghĩa thực dân cũ và mới trên đất nước Việt Nam. Đúng như trong Di chúc, Hồ Chí Minh đã viết “Nước ta sẽ có vinh dự lớn là nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc to-là Pháp và Mỹ. Nhân dân ta đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược quy mô lớn nhất, dài ngày nhất của chủ nghĩa đế quốc kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.”