Thư viện ảnh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 17
Hôm qua : 21
Tháng 11 : 317
Tháng trước : 392
Năm 2024 : 3.492
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến dịch Điện Biên Phủ

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Vị lãnh tụ thiên tài, Người không chỉ sớm hoạch định đường lối đúng đắn cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mà còn thường xuyên cùng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng ta trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn. Người không chỉ động viên, thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ trước và sau những trận đánh lớn, mà còn tham dự tổng kết, rút kinh nghiệm, chỉ ra những khuyết điểm trong các trận chiến đấu. Người thực sự là linh hồn của những chiến công vang dội mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu”.

Bác Hồ cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Chính trị bàn kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ

 

Cuối tháng 9/1953, tại bản Tỉn Keo, huyện Định Hóa, Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa cuộc họp Bộ Chính trị bàn và quyết định kế hoạch tác chiến Đông - Xuân (1953-1954). Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình chiến sự, Người nhấn mạnh phương châm: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và nhắc: “Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn... Phương hướng chiến lược không thay đổi. Về hướng hoạt động, lấy Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hành động có thể thay đổi. Phép dùng binh là thiên biến vạn hóa”(1).

Thực hiện cuộc tiến công chiến lược Đông - Xuân, quân và dân ta đã làm đảo lộn kế hoạch chiến tranh của Pháp - Mỹ, làm xoay chuyển cục diện chiến trường có lợi cho ta. Trong khi Nava tập trung quân xây dựng lực lượng cơ động chiến lược để có “quả đấm” mạnh, thì những chiến dịch của quân ta trên các chiến trường, đặc biệt là hướng Lai Châu, Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và Thượng Lào làm cho quân địch hết sức bị động, lúng túng, phải căng mỏng lực lượng ra đối phó.

Tháng 11/1953, Nava cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, xây dựng thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, xương sống của “Kế hoạch Nava”. Lực lượng của địch ở đây lên tới 16.000 quân, bao gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, 03 tiểu đoàn pháo binh, 01 tiểu đoàn công binh, 01 đại đội xe tăng, 01 đại đội xe vận tải, 01 phi đội máy bay thường trực cùng nhiều vũ khí hiện đại của Pháp và Mỹ nhằm làm bàn đạp chiếm lại Tây Bắc, khống chế chiến trường Lào, đồng thời giữ quân chủ lực ta ở Việt Bắc để quân Pháp rảnh tay hoạt động ở đồng bằng Bắc Bộ và đánh chiếm Liên khu 5. Mặc dù có tới 50 vạn quân, bao gồm cả quân ngụy, nhưng Nava không thể đối phó với cuộc tiến công của quân ta trên khắp các chiến trường. Hy vọng duy nhất của Nava là ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, một cứ điểm quân sự mà cùng với các Bộ trưởng, tướng lĩnh Pháp và nhiều tướng lĩnh Mỹ đã nhiều lần tới kiểm tra cứ điểm Điện Biên Phủ, kể cả Phó Tổng thống Mỹ Níchxơn, đều hết lời ca ngợi và tuyên truyền đây là “một cứ điểm đáng sợ”, “một pháo đài bất khả xâm phạm, không thể công phá”.

Đầu tháng 12/1953, sau khi phân tích kỹ tình hình địch, ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Bộ Chính trị thông qua kế hoạch tác chiến của Bộ Tổng Tư lệnh và quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Người chỉ thị cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”(2). Như vậy, Điện Biên Phủ trở thành điểm quyết chiến chiến lược giữa ta và địch trên toàn bộ chiến trường Đông Dương.

Tháng 01/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp Bộ Chính trị chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tín nhiệm giao nắm toàn quyền về quân sự: Tổng Tư lệnh, Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch Điện Biên Phủ. Khi trao nhiệm vụ cho Đại tướng, Người dặn: “Trao cho chú toàn quyền quyết định. Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”(3). Nhớ lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “chắc thắng mới đánh”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã suy nghĩ và trăn trở rất nhiều. Trên cơ sở bàn bạc, nhất trí của Đảng ủy mặt trận, Đại tướng kết luận chuyển phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” và ra lệnh cho toàn mặt trận Điện Biên Phủ chuẩn bị theo phương châm đó. Đây là một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, quân và dân ta tích cực, khẩn trương chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đầu tháng 3/1954, công tác chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn tất.

Trước khi bước vào trận đánh có tính chất quyết định, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời gửi thư động viên các đơn vị, chiến sĩ ở mặt trận Điện Biên Phủ, trong đó Người căn dặn: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn, nhưng rất vinh quang... Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới. Bác chờ các chú báo cáo thành tích để thưởng những đơn vị và cá nhân xuất sắc nhất. Chúc các chú thắng to”(4). Lời động viên kịp thời của Người đã biến thành hành động thực tế của cán bộ, chiến sĩ trên toàn mặt trận Điện Biên Phủ.

Ngày 13/3/1954, quân ta đồng loạt nổ súng mở đợt tiến công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau hai đợt tiến công, các phòng tuyến vòng ngoài của địch đã bị phá vỡ và tiêu diệt. Để động viên kịp thời, ngày 15/3, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi điện khen ngợi cán bộ, chiến sĩ đã chiến thắng hai trận đầu tiên ở Điện Biên Phủ. Đồng thời, Người nêu rõ ý nghĩa lịch sử quan trọng của chiến dịch cả về quân sự, chính trị và nhắc nhở quân đội ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan, khinh địch để giành toàn thắng cho chiến dịch này. Nhằm cứu nguy cho đội quân bị bao vây, Nava ra lệnh huy động tất cả máy bay trên chiến trường Đông Dương làm thành cầu hàng không tiếp viện suốt ngày đêm cho quân Pháp ở Điện Biên Phủ, nhưng cũng không hiệu quả. Trước tình thế nguy ngập, Mỹ định thực hiện kế hoạch sử dụng máy bay hạng nặng từ Philippines sang trút bom xuống Điện Biên Phủ mang tính hủy diệt. Hơn nữa, Mỹ đã đưa hai tàu sân bay chiến hạm đến Vịnh Bắc Bộ và đe dọa dùng bom nguyên tử chiến thuật ở Mặt trận này. Nhưng không sức mạnh nào ngăn nổi quyết tâm “quyết chiến, quyết thắng” của quân và dân ta.

Ngày 01/5/1954, quân ta mở cuộc tiến công mới, quân địch chống trả quyết liệt. Trận chiến diễn ra ác liệt. Ngày 07/5, quân ta từ các hướng đồng loạt tiến công vào khu trung tâm cố thủ của địch. Quân địch lâm vào thế tuyệt vọng, tinh thần hoàn toàn suy sụp. Ba giờ chiều cùng ngày, Bộ Chỉ huy mặt trận hạ lệnh quân ta tổng công kích, quân địch lũ lượt kéo cờ trắng ra hàng. Tướng De Castries cùng toàn thể Bộ Tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra hàng. 17 giờ chiều ngày 07/5/1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta bay phấp phới trên nóc hầm Tướng De Castries, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sĩ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt”(5).

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một “cái mốc chói lọi bằng vàng” mãi mãi là biểu tượng sáng ngời của dân tộc Việt Nam quật cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo, là niềm tin của các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do. Chiến tranh đã lùi xa 66 năm nhưng thời gian không thể làm phai mờ tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ đã gắn liền với vai trò và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

---------------------------

(1) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H.2007, tập 5, tr.374.

(2) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H.2007, tập 5, tr.403.

(3) Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb CTQG, H. 2007, tập 5, tr.416.

(4) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2009, tập 6, tr.265.

(5) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H. 2009, tập 6, tr.272.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan

Nội dung đang cập nhật...

Thăm dò ý kiến
Nội dung thông tin cung cấp trên cổng thông tin điện tử:
Video Clip