Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh: Đình Làng Diệm Sơn, Xã Điện Tiến
1. Tên di tích: Đình Làng Diệm Sơn
2. Loại di tích: Lịch sử văn hóa
3. Quyết định: Đình Làng Diệm Sơn, Xã Điện Tiến đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh theo quyết định Số:440/QĐ-UB ngày 15/2/2005 của Uỷ ban nhân dân Tỉnh Quảng Nam.
4. Địa chỉ di tích: Thôn Xuân Diệm, Xã Điện Tiến, Thị xã Điện Bàn.
5. Tóm lược thông tin về di tích:
Đình làng Diệm Sơn được xây dựng vào năm Minh Mạng Nhị Niên (1820), Đình tọa lạc tại Xóm Trung, trên diện tích 2700m2, với 496 m2 xây dựng, mặt đình xoay về hướng Nam. Phía trước có bàu dài làm thủy tụ, xa hơn có núi Bồ Bồ làm bình phong áng ngữ.
Hai bên có hai xóm Đông, Tây, Làng Diệm Sơn được phân chia ra năm xóm: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung theo thuật ngũ hành, cấu trức đình làng theo trường phái truyền thống đình làng Việt Nam. Có tiền đàn, hậu tẩm thờ Thành Hoàng của làng, hai bên tả hữu thờ các vị tiền bối hữu công, anh hùng liệt sĩ, trước đây vào ngày 15 tháng 3 ÂL, làng tổ chức rước sắc phong vua ban về đình làng tế lễ Xuân kỳ, Thu tế.
Đình làng là nơi giao lưu sinh hoạt văn hóa lễ hội, các vị khoa bảng đỗ đạc về cáo phó với các bậc tiền nhân, đình cũng là nơi hội tục các phong trào yêu nước trong làng, như Nghĩa hội, Văn Thân Cần Vương, Duy Tân, chống sưu cao thuế nặng, cường quyền ác bá và chống giặc ngoại xâm.
Trong những phong trào đó, làng có ông Tú Tự (Đỗ Tự) sinh năm Ất Hợi (1875-1829) đỗ tú tài năm 1902, là người tham gia phong trào Cần vương, là một thành viên trong ủy ban khởi nghĩa của cụ Thái Phiên, Phan Thành Tài, Trần Cao Vân, do Đại hội Đảng bộ Quang Phục Hội bầu năm 1916, ông lấy Đình làng làm căn cứ kháng chiến chống Pháp, sau ông Đỗ Tự bị giặc bắt.
Năm 1936, Mặt trận bình dân ra đời, đồng chí Nguyễn Thúy- Tỉnh ủy viên Đảng bộ Quảng Nam về tuyên truyền đường lối và giác ngộ cách mạng cho một số thanh niên cảm tình tại đình Diệm Sơn. Giữa năm 1936, đồng chí Nguyễn Thúy lập nhóm đọc sách báo tại đình làng, sách báo công khai do Đảng lãnh đạo như báo người Lao Động, Tiến Lên, Hồn Trẻ, Dân Chúng...
Đầu năm 1937, đồng chí Nguyễn Thúy, đồng chí Nguyễn Ngọc Kinh về tổ chức nói chuyện tại đình Diệm Sơn, về chủ nghĩa Cộng Sản, đường lối cách mạng Việt Nam, về Mặt trận dân chủ, mở rộng dân sinh chống áp bức bóc lột, lên án sự áp bức của thực dân phong kiến, sưu cao thuế nặng...
Đình còn là nơi thành lập Ủy ban vận động cứu quốc, Ủy ban bạo động khởi nghĩa Diệm Sơn. Ngày 07/2/1946, cũng tại đình làng này nhân dân đi bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân huyện, xã.
Trong những năm 1947-1954 Đình là nơi thành lập HTX mua bán “Nghĩa thương” mua bán trao đổi hàng hóa phục vụ nhân dân cán bộ, bộ đội. Hai lần chiến thắng tại cứ điểm Bồ Bồ, đình Diệm Sơn là nơi bộ đội đặc sở chỉ huy phát lệnh tấn công, chiến thắng Bồ Bồ lần thứ hai vang dội cả nước.
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, đình là căn cứ an toàn cho các đội công tác Hòa Vang, Điện Bàn và cả Quảng Đà. Hòm thư mật ẩn sau bức bình phong, còn trong hậu tẩm là hầm bí mật. Căn hầm này đã chở che, nuôi giấu bao cán bộ chủ chốt của huyện, tỉnh như các đồng chí: Cao Sơn Pháo, Hồ Nghinh, Giáo Thuyết, Phạm Dục, Nguyễn Bá Tùng… Theo ông Nguyễn Hồng Thắng, nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, một nhân chứng lịch sử của vùng đất này thì đình Diệm Sơn nằm giữa lòng dân kiên trung, bất khuất nên đã bảo toàn được phong trào cách mạng. Thời ấy, Diệm Sơn, Điện Tiến là vùng sâu, vùng xa của Điện Bàn, Quảng Nam, nhưng là vùng gần của Hòa Vang, Đà Nẵng. Nơi đây là hậu cứ vững chắc, cũng là bàn đạp cho các mũi tiến công vào căn cứ quân sự Đà Nẵng…
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống giặc Pháp, giặc Mỹ, đã gây ra cho nhân dân làng Diệm Sơn nói riêng biết bao đau thương tan tóc, thậm chí chùa chiền, miếu mộ, tổ tiên ông bà chúng cày ủi, xe tăng đại bác phá hại hoàn toàn; Đình làng Diệm Sơn nay còn lại tẩm đình và thành lũy bao quanh, nhưng ngôi đình Diệm Sơn vẫn hiên ngang đứng vững trong lòng đất anh hùng. Các đồng chí lão thành cách mạng nơi đây đã một thời sống trên bom dưới đạn trên khắp các chiến trường năm xưa, nay tuổi cao sức yếu với tinh thần bất khuất, chịu khó đã lặn lội khắp nơi từ thành phố Đà nẵng rồi đến TP Hồ Chí Minh vận động những người con quê hương đóng góp kinh phí nâng cấp đình với số tiền hàng trăm triệu. Đặc biệt, qua vận động Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ kinh phí 2 đợt là 1 tỷ đồng. Ban quản lý Đình đã tổ chức trùng tu di tích, xây dựng nhà bia ghi danh các Bà mẹ VNAH và liệt sỹ, xây dựng tường rào khang trang sạch đẹp. Vào ngày 24/6/2011 UBND TP Đà nẵng tiếp tục hỗ trợ đợt 3 với kinh phí 500 triệu, để hoàn thiện các hạng mục còn lại.
Hằng năm, vào ngày mồng 1/10 âm lịch, Ban quản lý di tích đình Diệm Sơn cùng thôn 1, thôn 2 Diệm Sơn và thôn Xuân Diệm xã Điện Tiến tổ chức lễ Tịch Điền. Lễ Tịch Điền được tổ chức nhằm tập hợp nhân dân để tưởng nhớ đến người xưa đã có công khai phá làng Diệm Sơn, cầu cho mưa thuận gió hoà, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Tại đình làng Diệm Sơn, các bậc cao niên trong làng kính cẩn dâng lễ vật làm từ nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương lên cúng Thần Nông. Lễ dâng hương diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính. Sau tiếng trống khai hội là hội thi gói bánh chưng, bánh tét, thuyết trình lễ vật. Thu hút đông đảo người xem nhất là hoạt động cày đường cày đầu tiên. Chú trâu to béo được khoác một tấm lụa đỏ, đi sau là Chủ tịch UBND xã điều khiển hò, téc, rì trong tiếng hò reo cổ vũ của người dân trong làng. Lễ hội còn có các trò chơi dân gian như đi cà kheo, bịt mắt đập niêu, thi ngậm chanh và các môn thi đấu thể thao.
Di tích Đình Làng Diệm Sơn sẽ “là nơi ra đi, cũng là nơi trở về” của bao tấm lòng thủy chung son sắt. Đình làng Diệm Sơn cùng với các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn xã Điện Tiến như đồi Bồ Bồ, bia Đá Chùm, đình Định An, nhà thờ tộc Hồ… sẽ trở thành điểm đến lý tưởng trong hành trình “uống nước nhớ nguồn” của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.